Kết quả 10 năm thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Long Phú
Những kết quả ấy đạt được do có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đóng vai trò chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, động viên Nhân dân chung tay thực hiện. Đặc biệt, công tác quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao góp phần quan trọng tạo nên diện mạo mới bộ mặt nông thôn trong tiến trình Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước. Kết cấu hạ tầng được tập trung xây dựng củng cố và nâng cấp, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng một nâng cao; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, tăng cường; quyền làm chủ được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững, từng bước thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động nổi bật trong công tác chỉ đạo, triển khai xây dựng nông thôn mới đó là công tác tuyên truyền được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có chiều sâu. Đối với huyện Long Phú đã tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền và đưa nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ hướng về cơ sở với chủ đề “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng, phản ánh khách quan cuộc sống lao động sản xuất, đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đặc biệt, công tác xã hội hóa, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là Nhà văn hóa xã, Nhà văn hóa ấp, liên ấp, Nhà sinh hoạt cộng đồng tiếp tục được quan tâm, phục vụ ngày càng tốt hơn các yêu cầu về phát triển sản xuất và đời sống của người dân.
.jpg)
Chú thích ảnh: Nhà văn hóa ấp Phụng Sơn khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả.
Ở các xã, công tác tuyên truyền được tăng cường, quán triệt sâu sắc nội dung, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới với các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan, các cuộc thi tìm hiểu về đề tài nông thôn mới thông qua sân khấu hóa, sáng tác, tập huấn, liên hoan văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao, giao lưu, tọa đàm, liên hoan tuyên truyền lưu động … Từ đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân về trách nhiệm, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng lên. Người dân xác định xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới là công việc của chính mình. Nhiều nét đẹp trong văn hóa, trong ứng xử đã góp phần quan trọng tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng dân cư, cho mỗi gia đình và mỗi cá nhân. Nhiều vùng quê nông thôn đã có những chuyển mình trở thành những “miền quê đáng sống”.
Thực hiện tiêu chí số 6 và số 16 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ngành Văn hóa – Thông tin huyện Long Phú đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể xã hội trong tổ chức thực hiện các tiêu chí về văn hóa gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, triển khai, lồng ghép thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn; các chương trình phối hợp liên ngành, tổ chức ký kết các chương trình phối hợp từng năm, từng giai đoạn. Việc thực hiện tiêu chí 6, 16 đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa sắc màu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Các địa phương đã quan tâm hơn đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở hoặc theo mô hình xã hội hóa các Nhà văn hóa, thể thao xã, Nhà văn hóa ấp, Nhà sinh hoạt động đồng giải trí và hướng tới giao cho cộng đồng quản lý, vận hành. Việc xây dựng Nhà văn hóa xã, ấp ngày càng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, góp phần nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân. Đối với các xã xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã quan tâm, đầu tư với các cơ chế thuận lợi (dành quỹ đất, đổi đất, hỗ trợ kinh phí ...). Công tác quản lý và tổ chức của Nhà văn hóa – thể thao xã, ấp được duy trì hiệu quả, hầu hết các Nhà văn hóa xã, ấp trên địa bàn huyện đều có người quản lý, trông coi, có nội quy, quy chế hoạt động, cơ bản đáp ứng được nhu cầu hội họp cũng như luyện tập, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Nhân dân địa phương, cũng từ đó, tình làng, nghĩa xóm được giữ vững, bà con đoàn kết tương trợ, gắn bó với nhau hơn, góp phần xây dựng môi trường văn hóa vui tươi, lành mạnh, tạo khí thế thi đua sôi nổi, giúp người dân phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, huyện Long Phú có 9/9 xã có Nhà văn hóa; 47/61 ấp có Nhà văn hóa, chiếm 77,04%, trong đó có 15 ấp có Nhà văn hóa – khu thể thao ấp đạt chuẩn. 9/9 xã đạt tiêu chí số 16 và 8/9 xã đạt tiêu chí số 6; có 14/50 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa nông thôn mới.
Với tiêu chí xã được công nhận nông thôn mới phải có từ 70% số khu dân cư đạt tiêu chuẩn danh hiệu văn hóa trở lên, các cấp, các ngành đoàn thể đã tích cực tuyện truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt Phong trào xây dựng gia đình văn hóa góp phần vào việc xây dựng giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa hàng năm (Long Phú có 61/61 ấp đạt danh hiệu ấp văn hóa). Việc tổ chức đăng ký xây dựng, bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa ở cơ sở cũng được tiến hành công khai, dân chủ, đúng tiêu chuẩn trình tự, thủ tục. Chất lượng và số lượng phong trào xây dựng Gia đình văn hóa ngày càng tăng, phản ánh đúng thực chất, nhiều xã, thị trấn có tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” cao, hiện nay, Long Phú có 24.900 hộ/26.541 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 94%.
Trong quá trình thực hiện tiêu chí 16 của Chương trình xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của các ấp, khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn huyện Long Phú được chính quyền các địa phương triển khai sâu rộng và đưa vào tiêu chuẩn cơ bản, hàng đầu trong việc thực hiện khu dân cư văn hóa. Nhìn lại 10 năm qua, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước luôn được huyện quan tâm chỉ đạo sâu sát, năm 2014, 100% ấp, khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn huyện hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước, các địa phương còn đang tiến hành rà soát, sửa đổi, xây dựng mới hương ước, quy ước, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng khu dân cư văn hóa. Từ những kết quả trên đây, việc xây dựng ấp, khu dân cư văn hóa cũng từng bước được nâng lên rõ rệt kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Đại đa số các khu dân cư đều thực hiện đầy đủ 05 tiêu chuẩn với 21 tiêu chí công nhận theo Thông tư số 12 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Việc bình xét khu dân cư văn hóa hàng năm được Ban chỉ đạo huyện tiến hành đúng trình tự, thủ tục, tổ chức tốt việc tự kiểm tra, thẩm định các tiêu chuẩn trước khi đề nghị UBND huyện công nhận, công nhận lại và đề nghị khen thưởng khu dân cư tiêu biểu tại Hội nghị tổng kết năm, hay Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ việc xây dựng đời sống văn hóa, huyện Long Phú đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Từ những kết quả đáng khích lệ nêu trên, ngành Văn hóa – Thông tin huyện Long Phú sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể của huyện, UBND các xã, trong việc hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Long Phú có 9/9 xã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và huyện được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Bài và ảnh: Sóc Ca.